Hạnh Phúc – Chương 7: Bình An Nội Tâm

PHỦI TAY

Mỗi lần cố gắng “phủi tay”, người ta đều tin rằng mọi sự sẽ được ém nhẹm không ai biết. Nếu chỉ kiểm tra trên giấy tờ sổ sách, chắc chắn không tài nào phát hiện ra tên trộm. Nhưng nếu biết chắc có một Đấng Quản Lý sẽ ra tay tra cứu hồ sơ, ắt hẳn người ta sẽ ít làm điều ác hơn. Không gì lôi kéo người ta phạm tội dễ dàng cho bằng tin rằng thế giới này là tất cả, chẳng hề có sự phán xét ở thế giới bên kia về các hành vi và ý tưởng của ta trên đời này. Nếu quả thực tất cả đều được giải quyết ở cõi trần này thì tội gì ta lại không tận dụng mọi mánh khoé để sống nhỉ? Miễn là biết cách “phủi tay” là xong.

Ngược lại với triết lý sống đó là lời Chúa phán “Những gì che dấu sẽ bị phát hiện, những gì đậy sẽ bị vạch ra” (Lc 12,2). Khi ra trước toà phán xét, mọi điều làm trong bóng tối sẽ bị đem ra ánh sáng. Hạt giống bị vùi lấp sẽ tìm cách xuyên thủng mặt đất để ngoi lên. Cây cối trong rừng rậm sẽ vươn lên để hấp thụ ánh sáng, ốc sò dưới đáy sâu biển cả sẽ bò lần về bờ biển. Cũng vậy, dù khi còn sống con người ta cố sức chôn vùi tội ác của mình thật sâu kín đi nữa, thì cũng có ngày họ sẽ ra trước Toà phán xét, ở đó “mọi người đều bị phán xét về công việc mình đã làm”.

Khoa tâm lý hiện đại dựa trên cơ sở này: ngay cả ở cõi đời này, con người vẫn không thể “phủi tay” được điều chi cả. Những thù oán thầm kín, tội lỗi giấu giếm, những vi phạm lề luật đạo đức thật bỉ ổi, hết thảy đều để lại dấu ấn nơi tâm hồn con người ta, trong cõi vô thức. Giống như cậu bé trong chuyện ngụ ngôn nọ, muốn giấu kín con cáo cậu đã ăn cắp trong áo choàng mình. Thế rồi con cáo đã moi sạch ruột gan cậu mà xơi. Hàng ngàn kẻ vẫn vịn vào các lý lẽ khoa phân tâm để chối bỏ không công nhận lối sống luân lý. Họ cho rằng chẳng có gì gọi là tội lỗi cả. Nhưng dù họ có chối từ như thế đi nữa, thì nhà tâm lý học nào đúng đắn cũng vẫn cho rằng thực ra tâm hồn những kẻ ấy thảy đều mục rỗng: bởi không gì bị che dấu mà lại không bị phát hiện.

Tâm hồn người ta đều chất chứa khát vọng và đam mê, hy vọng và e sợ, hận thù và dục vọng cũng như ý muốn tội lỗi và tà tâm. Và rồi sẽ có ngày mọi tâm tư sâu kín này sẽ gặp được cơ hội để hiển hiện ra – hoặc qua lời thú tội, hoặc qua các dấu chỉ tâm sinh lý – tỏ cho thấy họ đã phạm tội. Ai cũng có quyền tự do không thừa nhận luân lý, nhưng họ không có được tự do lẩn tránh các hậu quả khi họ vi phạm. Tội lỗi được viết ra ngay trên gương mặt họ, và cả trong não của họ nữa. Người ta có thể đọc được điều đó qua ánh mắt láo liên, hoặc khi thấy những cơn hãi hùng trong đêm của họ.

Nếu ai đó biết chắc rằng rồi ra có ngày mình sẽ bị phát hiện là kẻ ăn cắp, hẳn y ra sức đền bù cho xong trước khi bị phát hiện. Nếu kẻ nào biết rằng sẽ đến một ngày mọi việc mình làm sẽ được phô bày ra trước mặt Thiên Chúa và cả anh em đồng loại nữa, chắc chắn anh ta sẽ ra sức đền bù trước, sao cho cái “nợ” trở nên cái “lời” mới yên trí. Tâm hồn nào biết suy nghĩ như vậy hẳn không dại dột gì mà phí sức “phủi tay phớt lờ cho xong” cả.

Khoa phân tâm chỉ là một nhu cầu hiện đại, chứ không phải là một khám phá gì mới mẻ cả. Cách đây hàng thế kỷ, loài người đã biết đến các phương pháp của nó. Nhưng hồi ấy họ không có dịp áp dụng bởi lẽ vào hồi xa xưa, con người ý thức được rằng họ không thể nào “phớt lờ” được. Họ quì gối ăn năn, hoán cải và đền tội chứ không phải chỉ lăn lưng ra ngủ cho đẫy giấc. Nhưng chính khi con người phủ nhận Thiên Chúa và luân lý, xã hội lại phải đối phó với nhiều vấn nạn phát sinh. Tội lỗi chẳng phải là điều gì mới lạ cả. Loài người đã bao phen chứng kiến tội ác từ thuở còn sôi sục niềm tin cho tới ngay thời hiện đại. Thuở xưa, khi làm sai, con người nhận rằng mình sai. Họ lầm lạc, nhưng không hề quăng bỏ bản đồ chỉ lối. Ngày nay, khi làm sai, con người lại bảo rằng đúng. Như thế ngoài việc chối bỏ đạo đức, con người còn gây thêm một vấn nạn tâm linh khác nữa. Và đó chính là điểm mà khoa phân tâm can dự sâu đậm hơn hết. Việc con người tránh né đối mặt với thực tế tội lỗi của họ bằng cách vùi mình vào thế giới vô thức là chuyện chẳng có chi mới lạ cả. Có mới chăng là việc cần phải xét xử kẻ phá luật và chối tội, kẻ buông thả mà chẳng chịu nhận lãnh hậu quả hành động của mình. Kẻ nào vi phạm lề luật Thiên Chúa, không chóng thì chầy y sẽ chống lại chính bản thân. Miệng lưỡi kẻ phạm tội không im hơi lặng tiếng lâu dài đâu. Dù có chối bỏ không công nhận có một Thiên Chúa thẩm phán, những bồn chồn sợ hãi của y đã tiết lộ cho thấy điều này: trong lương tâm y đã có một vị quan toà ngự trị. Vị quan toà này kết án y dù xã hội có lên tiếng biểu đồng tình với y, dù y có ra sức chối cãi tới đâu đi nữa thì y vẫn bị khiển trách. Kẻ nào làm ác sẽ không giấu mình được lâu đâu.

Thế giới hiện đại văn minh này có thể đánh mất lòng kính sợ Thiên Chúa, nhưng rồi sẽ bất hạnh hơn bởi lẽ nỗi lo sợ sẽ thế vào lòng kính sợ ấy. Kính sợ Thiên Chúa, đó là không dám xúc phạm kẻ ta yêu mến, tựa như người con yêu mến người cha tận tuỵ vậy. Sợ hãi loài người, đó là co rúm vì bị đe doạ, bị ác tâm doạ dẫm. Rồi sẽ đến ngày Cuốn Sách Vĩ Đại được mở ra, trong đó có ghi lại đầy đủ mọi việc làm, lời nói của ta. Hết thảy những gì được nói trong bóng tối sẽ bị đem ra ánh sáng, bởi lẽ suy cho cùng chẳng có kẻ nào “phớt lờ” được chuyện gì cả.

 

AN TRỤ (INSCAPE)

Cần phải đưa thêm vào từ điển một từ mới. Thi sĩ Gerald Manly Hopkin đã có lần sử dụng từ inscape (tạm dịch là an trụ), nhưng đến nay đa số người ta vẫn chưa lưu tâm đón nhận. Từ này phản nghĩa với escape (đào thoát). Escape nghĩa là xa lánh nơi hiểm nguy, hy vọng tìm được một nơi khác an toàn hơn. Theo ngữ nguyên Latin: ex = xa khỏi, cappa = áo choàng che phủ. Nghĩa đen của escape là vượt thoát khỏi nơi ẩn náu để tìm tự do.

Nhưng thực ra, thoát được khỏi “nơi che trùm này” (a cape) chưa chắc là đã được tự do: thoát được khỏi điều này để được tư do với điều kia. Như vậy, tự do quả là vô nghĩa. Thế giới ngày nay quá lưu tâm đến thứ tự do tiêu cực nghĩa là thoát khỏi sự ràng buộc, mà chẳng lưu tâm đúng mức đến thứ tự do tích cực là chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Có một ông khách sang trọng đến bên một tài xế taxi và hỏi: “Này ông bạn, ông có rảnh không?” (trong tiếng Anh, câu đó cũng có nghĩa là ông có tự do không?) – “Dạ, thưa có”. Ông khách liền bỏ đi, miệng la to: “Hoan hô tự do!” Lần đầu tiên trong đời, người tài xế taxi hiểu ra rằng tự do khỏi bị ràng buộc chỉ có đầy đủ ý nghĩa khi nào ta có một mục tiêu để vươn tới.

Từ “escape” ngày nay được biết đến nhiều hơn nhờ từ “escapism” (tránh né) nghĩa là không chu toàn nghĩa vụ. Ví dụ như rượu chè say sưa là kiểu tránh né của kẻ bị nợ nần chất đống, y cố quên đi bằng cách say sưa bí tỉ. Thuốc ngủ là một phương tiện tránh né của kẻ bị lương tâm dày vò suốt đêm dài 5 canh khiến y chẳng thể yên giấc. Những kẻ nào không đủ can đảm từ bỏ các thói hư tật xấu cũng thường tự biện hộ cho thói hư tật xấu của mình bằng cách gọi những ai có lòng yêu mến Thiên Chúa là “bọn tránh né” (escapist). Tránh né là hèn nhát. Người ta không thể bình an trong tâm hồn nếu họ không biết an trụ (inscape). An trụ là an ổn về mặt tinh thần, đạo đức và tâm linh. Ta chỉ an trụ khi biết gắn bó với ý nghĩa và mục đích cuộc sống.

Tennyson có viết: giả như ta hiểu được ý nghĩa của cây hoa mọc kẽ tường hẳn ta sẽ biết được Thiên Chúa là ai và loài người là gì. Qua câu này, ông có ý nói: cây hoa mọc kẽ tường giúp ta hiểu được sự an trụ của toàn thể vũ trụ. Bằng cách này hay cách khác, nếu hiểu thấu đáo hình ảnh đó, ta sẽ nhận ra rằng nó phản ánh hằng hà thế hệ bông hoa đã xuất hiện trước nó, cũng như mọi cơn mưa từ trời đổ xuống trên nó, hay mọi tia nắng ấm từ mặt trời chiếu trên nó, hoặc mọi hoá chất nuôi dưỡng nó từ bao lâu nay. Nhưng nhất là nó gợi lên ý định của Thiên Chúa là Đấng đã bắt tất cả những thứ ấy qui tụ lại nơi bông hoa kẽ tường này. Không phải ta chỉ thấy nơi bông hoa nhỏ bé này, mà còn thấy nơi những sự vật nhỏ bé khác trong hoàn vũ này nữa, chẳng hạn như những bông tuyết li ti sặc sỡ, hay chim chóc trên cành ca vang bình minh sớm hơn cả các thầy dòng nơi tu viện nữa: hết thảy đều cho thấy Trí Tuệ Cao Cả của Tạo Hoá, chúng là kết tụ của những kế hoạch mà vị kiến trúc sư cao cả nhất là Thiên Chúa đã sáng tạo ra.

Vậy an trụ là gì? Đó là lề luật, trật tự, nhịp điệu, khuôn mẫu và mục đích. Đó là một triết lý sống để tỏ cho mọi người biết không những ta từ đâu đến mà cả ta đi về đâu nữa. An trụ là khám phá ra trật tự và ý nghĩa cuộc sống, là được bao bọc trong lớp áo của mầu nhiệm Thiên Chúa, khiến ta thấu hiểu và làm cho đời sống ta có ý nghĩa. Đó chính là tìm được chỗ nương tựa nơi Thiên Chúa yêu thương. Sau bất kỳ một cuộc đào tẩu nào ta cũng phải tìm được nơi an trụ. Sau tất cả những lần trốn chạy thực tại, ta cũng đều phải trở về với thực tại ấy. Mỗi lần nhân vị ta bị sứt mẻ, ta đều phải tìm cách phục hồi lại.

Đây chính là điều mà ngành phân tâm học về tính dục không giải quyết được (đừng lầm với môn tâm lý trị liệu). Khoa phân tâm này có thể phân tích và khám phá ra cơn bệnh nhưng không chữa được bệnh, có thể chẩn đoán nhưng không điều trị được, có thể phân tách tâm lý nhưng không thể tổng hợp tâm lý, có thể cho một kẻ nào đó biết y đang mang chứng bệnh tâm thần ưu tư; nhưng cho biết như tế thực ra chẳng ích lợi gì. Khoa phân tâm không thể cho bệnh nhân biết tại sao nơi y lại có một nỗi lo lắng sâu xa về căn bản cuộc sống đến như thế.

Đó là vì những chiếc ly mà y đang cầm uống không chứa đựng tình yêu thương mà y đang khao khát. Yêu thích tình dục là đào thoát (escape), nhưng yêu mến thiện hảo là an trụ (inscape). Ly dị là đào thoát. Trung thành dù có bị thử thách là an trụ. Cũng vậy, ích kỷ là đào thoát, còn bác ái là an trụ. Vì khoái lạc cuộc đời không thoả mãn được con người mà còn làm cho con người tởm lợm, nên ta thấy cảm giác buông thả chỉ là đào thoát. Vì niềm vui được liên kết với Thiên Chúa sẽ làm ta thoả mãn mà không chán chường, nên đó là sự an trụ tuyệt diệu, tức an trụ trong chân lý và tình yêu Thiên Chúa để cuối cùng khi chết đi ta sẽ bước vào Cõi Hằng Sống. Đào tẩu là Hoả ngục còn an trụ là Thiên đàng.

 

TINH THẦN THA THỨ

Mức độ hận thù ngày càng gia tăng trên thế giới hiện nay phần nhiều là do tội lỗi gây ra: vì chưng kẻ nào căm hận bản thân mình, không chóng thì chày y sẽ căm ghét đồng loại mình. Những tội lỗi sâu kín và cố chấp tạo ra tâm trạng bất an cho kẻ phạm tội… và để tái lập sự bình an, y phải biết soi xét bản ngã mình bằng một nguồn sáng thích hợp. Đó chính là chấp nhận, thú tội và hối cải. Nhiều người vô phúc lại chọn lấy con đường sai quấy là tìm cách đổ tội cho anh em rồi ra vẻ ta đây là kẻ tốt lành. Kẻ nào làm hại người mình yêu mến thường nhận ra rằng hành động đó của họ đã biến yêu thương thành hận thù. Y to miệng tố cáo những lỗi lầm nghiêm trọng nơi kẻ khác là nhằm mục đích biện bạch rằng mình vô tội. Thực tế cho thấy là để biến yêu thương thành hận thù là chuyện hết sức dễ dàng, nhưng chuyện ngược lại từ hận thù thành yêu thương quả là khó khăn bội phần. Người ta chỉ thực thi được điều này khi phá tan được sự cố chấp và thú nhận được hành vi gây hại của họ.

Một nguyên nhân khác khiến người ta căm thù là vì sợ hãi: kẻ nào không biết kính sợ Thiên Chúa, kẻ ấy sẽ nhanh chóng đâm ra sợ hãi người phàm. Bản tính loài người là yếu đuối, họ run rẩy khi đối diện với “thế giới thù nghịch” đe doạ rình rập họ. Lòng kính sợ Thiên Chúa thì khác hẳn: đó không phải là sự sợ hãi hèn hạ kiểu như nô lệ đối với ông chủ khắc nghiệt, mà là sự tôn kính của người con đối với người cha nhân ái của mình. Lòng kính sợ Thiên Chúa giúp ta tránh được mọi nỗi lo âu thế tục: ta vững tin rằng Ngài che chở và cứu giúp ta qua mọi cơn nguy biến. Những ai không biết kính sợ Thiên Chúa, họ đâm ra sợ hãi người trần rồi từ đó căm ghét anh em bởi lẽ họ cho rằng anh em là những người đe doạ đến sự an ninh của họ.

Lòng căm thù là một thứ tình cảm rất nguy hiểm. Nó có thể trở thành một thứ độc dược. Một tạp chí y khoa có ghi nhận trường hợp một người mẹ đang nuôi con bú, chỉ vì căm giận chồng, bà đã làm ngộ độc đứa con bởi vì sữa của bà đã biến thành chất độc. Tức giận và hận thù làm người ta ăn không tiêu và có thể gây loét dạ dày nữa.

Thật khó mà ngăn chận được lòng hận thù. Bởi lẽ nếu cứ để mặc, nó sẽ phát triển theo lối dây chuyền. Người đầu chọc giận người thứ hai, rồi đến lượt người thứ hai lại trêu tức người thứ ba… và cứ thế… Vì vậy, Chúa đã dạy ta phải chìa má kia ra khi má này bị vả, bởi lẽ nhờ nỗ lực ý chí này ta mới dập tắt được sự giận dữ. Phương thế duy nhất để tiêu diệt lòng hận thù là nhịn nhục rồi biến cải nó thành tình yêu thương.

Đối với chúng ta, làm được như thế quả là gay đấy: kho tình yêu của con người quá nhỏ bé nếu cứ rút tỉa dần, chẳng mấy chốc nó sẽ cạn kiệt. Vậy ta phải tìm một nguồn tình yêu khác để tha thứ và gia tăng tình nhân ái.

Có hai lý lẽ giúp ta dễ dàng nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta biết tha thứ cho anh em. Ta nên nhớ lại vô vàn lần Thiên Chúa đã thứ tha cho ta. Và ta phải cộng tác với Ngài trong nỗ lực bất diệt là cứu vớt các linh hồn lầm lạc.

Lý lẽ thứ nhất rất hiển nhiên. Thực vậy ta đã làm quá nhiều điều xấu xa đối với Thiên Chúa hơn bất kỳ một anh em nào xúc phạm đến ta. Chúa đã nhắn nhủ ta không nên có thái độ của kẻ thấy được cọng rơm trong mắt anh em mà quên rằng có cả cái xà trong mắt mình. Ta phải nhớ đến những xúc phạm mà ta tự bỏ qua, bấy giờ ta mới nhận ra rằng mình quả chẳng đáng được tha thứ chút nào. Thiên Chúa đã phán: “Ta đã tha nợ cho ngươi, vậy cớ sao ngươi lại chẳng vì tình đồng loại mà tha thứ cho anh em ngươi?”

Lý lẽ thứ hai tóm tắt như sau: giả dụ ta bị một kẻ thù làm trọng thương. Thế rồi cha đẻ y đến và bảo ta rằng đã nhiều năm ông đã dày công uốn nắn con mình theo đường ngay lẽ phải, nhưng chẳng thành công. Tuy vậy ông vẫn không tuyệt vọng. Ông nài nỉ ta cùng chung lưng góp sức với ông để cứu vớt y. Hẳn lời nài nỉ này sẽ làm dịu lòng ta. Thiên Chúa cũng là một người cha như thế. Ngài hằng đau khổ rất nhiều vì con cái ngỗ nghịch. Ngài muốn ta cũng phải kiên nhẫn chịu đựng và cố giúp Ngài đưa họ về với yêu thương. Câu chuyện Abraham trong sa mạc đã nói rõ lên cách nhìn này: một đêm kia có một người lạ mặt đến lều Abraham, xin ông tá túc. Abraham dọn thức ăn ngon nhất để thết đãi y, rồi nhường giường cho y nằm, phục vụ y hết mình. Thế nhưng y vẫn phàn nàn, xét nét và mè nheo. Quá tức giận vì sự vô ơn này, Abraham chuẩn bị đuổi cổ y đi thì Thiên Chúa phán bảo ông: “Này Abraham, Ta đã chịu đựng y suốt 40 năm rồi, vậy thì lẽ nào ngươi chẳng thể chịu đựng y một đêm thôi?”

Khả năng tha thứ cho anh em chỉ có thể do Thiên Chúa ban cho ta. Và Ngài sẵn lòng ban ơn này cho ta nếu ta cầu xin. Ngài đã phán: “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Đừng kết án hầu khỏi bị kết án. Hãy tha thứ để được thứ tha. Ngươi đong cho ai đấu nào thì sẽ được đong lại bằng đấu ấy”.

ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

Khi ta càng đeo đuổi hạnh phúc trần gian bao nhiêu, thì cuộc sống nội tâm của ta càng bị đe doạ bấy nhiêu. Chỉ có ai biết tự chủ mới được thanh thản vì kẻ ấy đã thiết lập được cho mình những điều kiện để an bình, và kiểm soát được chúng. Những kẻ khác lại là nạn nhân của hoàn cảnh, làm nô lệ cho sự vật chóng qua. Kẻ say sưa làm nô lệ cho rượu chè, kẻ tham lam làm nô lệ cho tiền tài, kẻ đua đòi ăn diện làm nô lệ cho thời trang… Vũ trụ của họ đều có thể bị tước đoạt. Chẳng ai trong chúng ta đủ sức kiểm soát được hành vi của kẻ khác nhắm vào ta, nhưng ai nấy đều dư sức kiểm soát được hành vi của mình đối với tha nhân.

Mọi quan hệ giữa ta với thế giới bên ngoài đều được tóm gọn lại bằng hai chữ: có và không có. Nhưng cuộc sống nội tâm lại tập trung vào một chữ . Con người thường đánh hỏng cả cuộc đời khi họ khao khát cái , đang khi lẽ ra phải chăm chút cho cái mới đúng. Bởi chưng trên trần thế này không gì cao trọng hơn tinh thần và nhân vị cả. Vì thế, mỗi lần ta nhượng bộ bản thân hầu đạt cho được khát vọng vật dục, ấy là lúc ta bị thiệt thòi. Càng có được nhiều, người ta càng đối phó với nhiều vấn đề phát sinh. Càng có nhiều chìa khoá bao nhiêu, càng lo lắng bấy nhiêu. Nhưng nếu không có đủ được những nhu cầu thiết yếu để sống thì cũng ê chề lắm. Người nào diệt dục được, kẻ ấy sẽ tự do. Anh ta đón nhận hết thảy những gì xảy đến cho mình, và dù có bị tước đoạt đi nữa họ cũng chẳng bận tâm.

Tự chủ nghĩa là khước từ giá trị của vật chất bên ngoài. Để có được sự thanh thản hạnh phúc, ta phải thoát cho được vòng cương toả của vô vàn vô số sự vật hỗn độn quanh mình. Vì rằng nếu để cho tâm hồn ta bị chúng ngập tràn, ắt chúng sẽ đẩy văng Thiên Chúa ra ngoài. Kẻ nào mưu tìm thoả mãn hời hợt bên ngoài, kẻ ấy sẽ bị giằng co, tự xâu xé tâm hồn mình và chẳng thể nào đứng vững được.

Thời đại này có quá nhiều thôi thúc xô đẩy con người phải mưu cầu hạnh phúc trong việc thoả mãn các lạc thú vật chất rẻ rúng, ít đòi hỏi công sức và không cần phải dùng đến lý trí và ý chí. Báo chí ngày càng nghiêng về việc dùng hình ảnh hơn là chữ viết để độc giả đọc bớt mệt đi. Sân khấu, màn ảnh cuốn hút con người bằng những pha tình cảm sướt mướt, dai dẳng, làm cho con người lúc nào cũng sống trong mớ hỗn mang. Lối sống này biến ta trở thành nạn nhân cho chính cảm giác của mình. Thế giới cảm xúc chính là một bạo chúa tàn nhẫn. Kẻ nào chấp nhận nó, kẻ ấy sẽ bị suy sụp thần kinh.

Để tái lập an bình nội tâm, con người bị căng thẳng dằn vặt ngày nay phải tạo cho được một khoảng cách im ắng giữa mình và thế giới… như thế con người mới LÀ thay vì CÓ hoặc CẢM THẤY. Khi nào ta không còn lưu tâm đến bản ngã cùng những nhu cầu vị kỷ nữa, ấy là lúc ta đã khởi sự rồi vậy. Bước kế tiếp là ra sức chu toàn thánh ý Chúa – thế là ta đã tự hoàn thiện và đạt được an bình. Mạnh khoẻ về mặt sinh lý và lành mạnh về luân lý đều như nhau. Vi phạm lề luật luân lý khiến ta xáo trộn tinh thần và thể xác. Nhưng nếu biết tuân phục ý Chúa, thể xác sẽ mạnh khoẻ và linh hồn được an lành.

Thoạt đầu, việc khép mình hy sinh là cả một vấn đề khó khăn. Nhưng ai biết đặt ý Chúa lên trên ý riêng thì vấn đề hy sinh không còn được kể đến nữa. Các giai đoạn đầu tiên của lối sống tâm linh cũng giống như những năm tháng học chơi đàn vậy. Lúc đầu, phải biết hy sinh tiệc tùng để dành thời giờ thực tập, tập trung học hỏi thao luyện các ngón đàn. Nhưng rồi sau đó người học đàn sẽ vui thích khi ngồi vào đàn. Kẻ nào yêu Chúa hết lòng hết trí khôn hẳn sẽ nhận thấy rằng lời Chúa là phương cách để vươn tới Chân-Thiện-Mỹ. Sấm sét chỉ nhằm đánh vào cột thu lôi kim loại có khả năng nạp được điện chứ không hề đánh vào cột gỗ trơ trơ. Cũng vậy, sự thanh thản của Thiên Chúa chỉ dành cho những ai có chuẩn bị tâm hồn tốt nhất để đón nhận. Chuẩn bị bằng cách yêu mến Ngài.

Ta chỉ có an bình nội tâm khi ta biết nhìn nhận Thiên Chúa là vị chủ tể mọi hành động của ta. Rất nhiều kẻ tuy tin Thiên Chúa đấy, nhưng không dám triệt để như vậy. Họ chỉ dành cho Thiên Chúa một góc nhỏ trong tâm hồn họ mà thôi. Họ hoạch định công việc mà chẳng hề tham vấn ý kiến của Chúa. Trải qua rất nhiều thăng trầm cuộc đời rồi thế mà họ chẳng thể nhận ra sự thể là Tình yêu phải mang hai đặc tính này: vừa cay đắng, vừa dịu ngọt. Họ kéo dài kiếp sống cô đơn và mỏi mệt dù rằng cũng đôi lúc họ có được những phút giây ngọt ngào đi nữa.

Đối với những kẻ này chỉ cần một khoảnh khắc ân sủng cũng đủ biến đổi tâm hồn họ. Thế là họ bỗng chốc khám phá ra rằng “Thiên Chúa đang ngự trong nhà mình”. Dĩ nhiên, Thiên Chúa vẫn hằng ở trong mọi người kia mà. Và rồi họ không còn qui hướng về mình nữa, mà về Thiên Chúa. Các biến động xảy đến trong đời không còn phá vỡ an bình của lòng họ. Những gì được không còn quan trọng nữa. Điều hệ trọng hơn cả là những gì họ , và họ là gì? Họ chính là Con của Thiên Chúa. Cuối cùng, họ có thể lắng nghe được lời Ngài: “Ta ban cho con sự bình an. Bình an Ta ban cho không như kiểu thế gian ban tặng. Đừng để lòng trí con xao xuyến nữa”.

 

SƠ LƯỢC VỀ KHOA PHÂN TÂM

Phân tâm học là khoa nghiên cứu về tâm hồn. Đó là một khoa có giá trị tự mình nghiên cứu cõi lòng, ai nấy cũng đều biết được năm chân lý này:

1. Mỗi người đều có hai mặt: ta biết được rằng trong ta có sự xung đột giữa lý tưởng cao cả và hiện thực yếu hèn – giữa những gì ta phải làm với cách thức chúng ta thực hiện – Đó là một trận chiến giữa cái ngã của mình hằng khát khao những điều tuyệt đối với những cái ngã khác mang nặng các ước vọng mâu thuẫn. Có những xung đột giữa ước muốn được tự do khỏi mọi ràng buộc với các thói quen xấu xa nô lệ ràng buộc ta nếu ta vứt bỏ các ràng buộc đi. Đó chính là xung khắc giữa khát vọng phải thực là mình với thực tại phũ phàng là những gì ta cho là lạc thú nhất lại dẫn dắt ta xa rời cái tôi. Tình trạng căng thẳng này vẫn hằng diễn ra trong ta.

2. Chỉ có loài người mới bị giằng co như thế, loài vật không bị. Sự khác biệt này dẫn ta đến chỗ tìm ra nguyên nhân: bởi lẽ loài người có linh hồn, loài vật thì không. Con người ta bị giằng co giữa cái vô hạn – cái hữu hạn, tựa như những người leo núi lưng chừng, họ mong mỏi vượt lên tới đỉnh cao chót vót, nhưng cũng rùng mình sợ hãi lo ngại bị rơi xuống đáy vực sâu thẳm.

3. Loài người có hồn và xác, bởi vậy phải lựa chọn một trong hai hướng đi: vượt lên chính bản thân, hoặc là sa xuống thấp hèn. Con người có thể vượt khỏi mức phàm trần bằng cách nhiệt thành tìm kiếm Thiên Chúa. Hoặc con người trượt dài trong ê chề, buồn thảm khi không còn tìm kiếm sự thiện nữa. Loài người được đặt giữa đôi ngả đường đời: đi lên về phía niềm tin, hoặc đi xuống về phía điên rồ. Mỗi giây phút trong cuộc đời, ai cũng phải đi về một trong hai hướng đó; ta không thể chỉ dừng chân tại chỗ. Vì chưng cái tôi của ta quá nhỏ hẹp đối với linh hồn bất tử.

Hết thảy những ai, nam hay nữ, không chịu thăng tiến linh hồn họ mà vẫn tự nhận rằng mình hạnh phúc, thảy đều là kẻ dối trá: có thể ta không thấy được nỗi ê chề của họ, nhưng chắc chắn là có và tiềm ẩn đâu đó. Khi một cơn khủng hoảng nào đó xảy đến với họ thì sự ưu phiền sẽ lộ ra ngay thôi. Có những người tự tử vì bị mất cắp tiền bạc hoặc bị tình phụ: những điểm tựa mỏng manh và ảo tưởng họ dựa vào đã chiếm hết chỗ dành cho khát vọng Toàn thiện.

4. Nhưng nếu cho rằng lựa chọn duy nhất đúng đắn của ta là theo đuổi Thiên Chúa vô hạn, Đấng đã tác tạo ra ta, thế thì tại sao vẫn có người quay lưng lại với Đấng Vĩnh Cửu? Có hai trở lực khiến loài người không được hạnh phúc, kìm giữ họ trong vòng cương toả thất vọng. Một số người không muốn bỏ công tìm kiếm sự thật, hay tìm tòi cho được cuộc sống này “có ý nghĩa gì”. Họ kiêu hãnh thừa nhận rằng Thiên Chúa chẳng là gì cả, chẳng qua chỉ là do con người quan niệm vẽ vời ra mà thôi. Và như thế để đến được với Ngài thì phải học hỏi và tin nhiều quá. Nhưng một số khác chối bỏ không thừa nhận Thiên Chúa bởi vì nếu tin rằng có Thiên Chúa thì sẽ gây rắc rối cho mình. Họ không dám chấp nhận một cuộc sống thiếu khoái lạc và vị kỷ mà Đức Tin bắt họ phải tuân giữ.

5. Kẻ nào thực sự “bước vào nội tâm mình” hẳn không bao giờ thoả mãn với những gì gặp thấy ở đó: sự trống rỗng nội tâm khiến y thất vọng. Nhưng có hai loại trống rỗng… khoảng không bao la trên vực thẳm không thể nào vun lấp được, và chỗ trống nơi tổ chim chờ đón chim con nở ra. Bởi thế có hai loại thất vọng: nỗi thất vọng của ma quỉ từ chối tiếp nhận Thiên Chúa lòng lành, và nỗi thất vọng sáng tạo của kẻ sẵn lòng đón nhận Thiên Chúa. Nỗi thất vọng thứ nhất là của Giuđa: y bỏ đi treo cổ. Nỗi thất vọng thứ hai là của Đavid: “Lạy Chúa, xin thương xót con!”

Bao lâu những kẻ thất vọng vì lầm lạc, vì xung đột và bất toàn còn kêu lên xin Thiên Chúa thương xót, thì bấy lâu sự tội không còn là điều xấu xa nhất xảy đến cho con người. Điều tệ hại nhất chính là không nhận tội. Vì nếu ta là kẻ có tội thì ta đã có Đấng Chuộc Tội. Nếu có Đấng Chuộc Tội, thì có Thập giá. Nếu có Thập giá, thì có phương thế để điều chỉnh lại cuộc đời chúng ta. Và như thế thì sự thất vọng sẽ biến đi và ta có được “sự an bình mà thế gian không thể nào ban cho được”.
 

TỰ CHẾ

Triết lý về việc tự biểu lộ ngày nay đã quá quen thuộc nên ít còn được người ta cất công tìm cách giải thích nữa. Tự lý giải chỉ đúng khi có nghĩa là hành động phù hợp theo lý trí và bản tính cao thượng; và sai khi hành động theo bản năng và bản tính thấp hèn. Người thợ săn tự giải đúng lý khi ông đi săn vào mùa săn bắn, nhưng thật là sai quấy nếu ông ta quay qua săn tìm gái đẹp. Những kẻ nào cho rằng mình bao giờ cũng đúng và có quyền làm bất cứ điều gì mình thích hẳn cho rằng tự chế đồng nghĩa với tự hủy. Thực ra, tự chế nghĩa là uốn nắn lại bản tính thấp hèn để vươn tới bản tính cao cả. Người nhạc sĩ vĩ cầm không phải là cố kéo đứt dây đàn khi ông hòa một nốt nhạc cao vút, người thợ điêu khắc không hề phá hủy khối đá khi ông tạc tượng.

Khi cái tôi bị kẻ ngoài uốn nắn, đó là sự áp chế. Nhưng nếu nó được uốn nắn do ý chí bên trong đó là tự chế. Cả hai trường hợp đều nhằm trau dồi một nhân cách hoàn toàn hơn. Thiên Chúa không bao giờ cho phép gây đau khổ trừ khi có mục đích thanh luyện. Thánh Kinh còn đi xa hơn thế nữa cơ: “Thiên Chúa ra tay uốn nắn những ai Ngài yêu mến nhất”. Chàng yêu nàng, và chàng muốn nàng phải diện bộ cánh đẹp nhất; và nàng cũng vậy, nàng chọn lựa màu sắc và thời trang nào hợp gu với chàng nhất. Mọi mộng ước ích kỷ này đều xuất phát vì muốn làm đẹp lòng người mình yêu. Thiên Chúa cũng thế, đôi lần Ngài mốn tước hết những gì trong cuộc sống ngăn cản ta hướng về trời cao.

Có khi cái chết của con cái là ý Chúa muốn bậc cha mẹ phải nhìn xa hơn cõi thế này. Khi người mục tử thấy rằng đồng cỏ dưới chân đồi đã cạn sạch và bầy cừu chẳng chịu leo lên đồng cỏ ở trên xanh tốt hơn, anh ta liền vác một con chiên đi lên triền núi và lập tức cả bầy liền theo chân anh. Chim ưng mẹ ép chim con phải bay bằng cách mổ dần tổ đi cho đến khi nào chim con rốt cuộc phải lìa bỏ tổ ấm tạm thời mà bay đi. Thiên Chúa thỉnh thoảng cũng phải “quậy” kẻo con người cứ mãi cho rằng thế gian này là nơi an toàn nhất.

Nhưng kỷ luật tiêu cực từ bên ngoài gây ra không cao cả bằng thứ kỷ luật tích cực từ bên trong. Không có một khuynh hướng xấu xa nào trong tâm hồn mà lại không bị kỷ luật rèn dũa. Có thể ví con người ta với một củ hành. Cái tôi bề ngoài có nhiều tầng lớp che chở, nhưng cái lõi khuất đàng sau đó chính là cái tôi thực sự. Khi con người biết từ khước, anh ta tước bỏ hết những gì giả tạo bề ngoài hầu đạt cho được nhân cách thực sự của mình. Một trong những lý do khiến ít người biết Chúa là bởi họ không biết chính mình. Họ sống trong một thế giới giả dối và không nhận ra được Nền Tảng Chân Lý.

Thế giới Tây phương bắt đầu tin tưởng sai lầm rằng nhân cách được xác định bởi những công trình bên ngoài, và những gì con người suy tư và ước muốn bên trong chẳng quan trọng gì. Nhưng điều này có thể lại là một lối tránh né, vì con người có thể lao vào công việc là để quên mình đi, giống như kẻ nghiện ngập quên mình trong cuộc say bí tỉ. Khi gặp rắc rối, kẻ vô kỷ luật đổ tội cho sự vật – như cầu thủ đá hỏng banh lại đổ thừa vì đôi giày, người thợ vụng về làm hư bức tượng đổ tội cho cái đục cái búa. Thực ra cái lõi nằm ở chính trong cái tôi vị kỷ và lộn xộn.

Nếu có ai từ bỏ giàu sang, thì giờ và sức lực cho kẻ khác nhưng lại không từ bỏ chính bản thân, kẻ đó thực sự chẳng từ bỏ gì cả. Nhưng ai đó có đạt được chút ít danh vọng phú quý và từ bỏ chính bản thân, kẻ ấy được tự do hơn cả. Khi Chúa phán bảo ta phải ghét bỏ mình đi, không phải Ngài cho rằng ta có những đức tính Chúa không thích; mà là Ngài muốn chỉ đến tính ích kỷ đã ngăn cản không cho ta yêu mến Chúa. Không gì rõ ràng hơn lời của Gioan Tẩy giả áp dụng cho sự bình an nội tâm này: khi thấy Chúa Giêsu đang tiến đến, Gioan đã nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”.

 

TÍNH ĐÔN HẬU

Nhiều người sống rất đôn hậu trong gia đình và sở làm, nhưng khi cầm tay lái ô tô lại trở nên cực kỳ thô lỗ và ích kỷ. Có lẽ là do ở trong nhà họ đã quá quen thuộc, còn trên xe hơi họ lại trở nên vô danh không sợ bị nhận mặt, tha hồ mà lộng hành. Sống tử tế đàng hoàng bởi vì e ngại kẻ khác cho mình thiếu tử tế thì hẳn là chẳng tử tế đích thực. Đúng hơn, đó là một lối sống ích kỷ trá hình.

Từ ngữ kindness (sự tử tế, lòng tốt) do chữ kindred, (bà con, họ hàng) mà ra. Và như thế nó bao hàm một thứ tình cảm đối với những người cùng máu mủ ruột thịt. Thoạt đầu, kindness được dùng để gọi tình cảm cha mẹ con cái và ngược lại. (Ta nên nhớ trong tiếng Đức, kind có nghĩa là đứa trẻ, con cái) Dần dà nó được mở rộng ra để chỉ tình cảm đối với bất cứ ai giống như thân thuộc máu mủ. Do đó sự lỗ mãng nghĩa là trái tự nhiên.

Bởi vì tử tế có liên quan đến yêu thương nên một người tử tế yêu mến kẻ khác không phải là vì người này cho mình cái gì cả, cũng không phải là để cầu mong kẻ khác tử tế lại với mình, mà bởi vì chính kẻ ấy đầy lòng nhân hậu, thế thôi. Mà tại sao người ta khả ái? Vì Chúa đã tạo dựng như thế. Nếu ta là thú vật thì chẳng ai đáng yêu cả.

Thiên Chúa đã dựng nên ta đáng yêu bởi vì Ngài đã ban cho chúng ta Tình Yêu của Ngài. Ta nhận ra kẻ khác đáng yêu bởi vì ta có lòng yêu thích họ. Nhưng để thực thi được như vậy ta phải tử tế đủ để có thể hài lòng về anh em. Nếu thoạt đầu ta cho rằng phần lớn nhân loại đều là đểu cáng thì hẳn ta sẽ tìm gặp vô vàn kẻ đểu cáng. Tuy nhiên nếu ta cho rằng mọi người đều dễ thương, dĩ nhiên ta sẽ gặp được nhiều người dễ thương. Ở một mức độ nào đó thì thế giới này hiện hữu như ta nghĩ. Ta cho đi cái gì thì sẽ nhận lại được điều ấy. Gieo gió thì gặt bão, làm lành thì được thiện, được yêu thương và hạnh phúc. Tha nhân là gương soi phản ánh hình ảnh nhân hậu của ta. Người đôn hậu chịu đựng sự khiếm khuyết của tha nhân, không hề phóng đại chấp nhất những điều vụn vặt và không soi mói vạch lá tìm sâu. Họ biết rằng con người ta không ai muốn rắc rối cả. Một trong những niềm vui vĩ đại nhất trên cõi đời này là yêu được kẻ không ai yêu cả. Do đó ta hãy bắt chước Cha trên trời hằng nhìn nhận hết thảy tạo vật đều đáng yêu. Điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta tỏ ra có cảm tình với người mù hơn là với kẻ điếc. Aristote đã có lần nhận xét như thế. Ông cho rằng thị giác có tính tâm linh nhất, và thính giác vật chất hơn cả. Chính vì vậy mà chúng ta cảm thấy xúc động khi thấy những kẻ bị tổn thương về mặt tinh thần. Lối lý giải tâm lý này dĩ nhiên không nhằm biện minh cho nhu cầu phải tử tế với loại người này hơn loại người kia.

Lòng tử tế đối với kẻ có tật nguyền sẽ trở thành sự cảm thông trắc ẩn muốn chia sớt nỗi đau với họ. Nó làm ta càng lúc chú ý đến kẻ tật nguyền và thôi thúc ta đi đến hành động gọi là bố thí, hoặc dấn thân phục vụ, chia sẻ thời giờ với họ. Người tử tế và trắc ẩn sẽ thu xếp được thời gian để đến với tha nhân.

Ngày nay nhiều nhà tâm lý đều biết rõ rằng những gì họ có thể làm được để giúp đỡ các kẻ hoạn nạn, ưu phiền là lắng tai nghe họ. Nếu bạn đoan chắc rằng bạn biết được nỗi khắc khoải của họ, ấy là bạn đã chữa lành cho họ được một nửa rồi. Ngay cả đối với kẻ thù, nếu ta thực lòng không gay gắt với y, chắc chắn y cũng sẽ không nuôi thù hận với ta hoài. Mọi bất thường tâm linh đều có cội nguồn là sự ích kỷ, mọi hạnh phúc đều bám rễ trong lòng nhân hậu. Nhưng để nhân hậu thực sự, ta phải nhận ra trong mỗi tha nhân đều có linh hồn bất diệt, đáng được Chúa yêu. Và ai nấy đều quý giá đáng trọng cả.
 

SỢ HÃI VÀ ĐẠO ĐỨC

Đa số chứng loạn thần kinh đều nhằm che chắn nỗi sợ hãi. Nhiều nhà tâm lý cũng như bác sĩ đã chấp nhận luận điểm này bởi vì sự sợ hãi bắt buộc người ta phải tìm cách tự vệ. Không phải người ta sợ chính nỗi sợ, người ta sợ sự căng thẳng giữa lương tâm và điều đã xảy ra. Nỗi sợ như là khói nơi lò hấp, nó chỉ ghi nhận áp suất mà thôi.

Phương cách đơn giản nhất và tệ hại nhất để tâm trí trút được nỗi sợ đi, đó là trấn áp nó. Nghĩa là đẩy nó lui vào cõi vô thức. Khi có khách đột xuất đến thăm nhà, bà nội trợ vội vàng vơ đống quần áo dơ bẩn vương vãi trước nhà bỏ vào một xó. Tâm trí người ta cũng vậy, nó tự vệ bằng cách ném bỏ những cảm giác nhức nhối vào cõi vô thức.

Hậu quả đè nén sợ hãi thì vô vàn. Trước tiên về mặt sinh lý, hậu quả của nó là: hồi hộp, nhức đầu, co rúm, vật vã… Về mặt tinh thần là: tức giận, phiền muộn, gắt gỏng. Một nhà tâm lý có kể lại câu chuyện một cậu bé hễ cứ nghe tiếng chuông báo tử là cậu lại khóc ràn rụa. Cậu vẫn hằng cầu mong cha mẹ chết quách đi, nhưng lại đè nén ý muốn đó lại. Cậu đã sợ ý muốn đó, và thoát khỏi bằng cách khóc. Lòng ao ước tội lỗi là muốn cha mẹ chết đi đã làm cậu sợ và cậu đã thăng hoa điều đó bằng nước mắt.

Bà Macbeth xúi ông chồng giết vua khi vua đang ngủ hầu chiếm đoạt ngai vàng. Thấy chồng bị chao đảo vì hành động của mình, bà đã nhắc nhở:

“Thôi đừng suy nghĩ làm chi,

Lưu tâm áy náy bề gì cũng điên”

Mô tả các hậu quả bệnh hoạn do bởi sợ hãi khi đã ra tay sát nhân như thế quả là tuyệt bút. Bà quyết tâm nhận chìm lương tâm bằng cách cho rằng đừng nghĩ ngợi đúng sai gì cả. Tuy nhiên ngay lúc đè nén sợ hãi, bà đã bắt đầu rồ dại. Bà bảo chồng chùi rửa tay đi rồi bôi máu lên các người hầu. Bởi vì ông chồng quá đỗi sợ hãi không ra tay được, bà đã đích thân hạ sát các người hầu và bôi máu đầy người họ. Đoạn bà la lên:

“Tay ta vấy nhuộm máu hồng,

Nhưng ta xấu hổ vì lòng nhẫn tâm…

Chỉ cần chút nước xóa ngay việc này”…

Tới đây bà lại cố thuyết phục lòng mình và chồng rằng chẳng cần gì phải giữ lòng trong trắng, chẳng hề có vị quan tòa nào trong lòng người cả, và những gì cần phải làm chỉ là biết cách phủi tay khỏi những hậu hoạn.

Lương tâm vẫn tiếp tục phát huy tác dụng của nó; bà đã cố sức chối bỏ tội ác thì nay lại trở nên loạn thần kinh, biểu lộ qua hành vi rửa tay liên tục.

“Vì chăng nghĩ mãi thế này,

Lão già mình mẩy tràn đầy máu me.

Tay ta chẳng sạch đau nhe…”

Thoạt đầu bà còn cho rằng tội sát nhân chỉ cần rửa sạch máu là xong, đến giờ bà phải rửa sạch nỗi sợ hãi tội ác, như lời bà thú nhận với chồng là nước của cả 7 đại dương cũng không đủ cho bà rửa sạch tội ác.

Một số người có thói quen rửa tay sau khi có đụng đến núm cửa, thậm chí có ngày họ rửa đi rửa lại tới mười lần như vậy trước khi ra khỏi nhà. Điều này tỏ cho thấy họ cần rửa và nghĩ rằng chùi rửa bề ngoài thay thế cho việc tẩy rửa lương tâm bên trong mà họ không muốn tiến hành bởi đã đè nén tội lỗi đi rồi. Điều này không có nghĩa là hết thảy những ai bị tội lỗi dằn vặt đều là kẻ vi phạm nguyên tắc luân lý. Nó chỉ muốn nói lên điều này là những ai cố tâm làm như vậy chẳng trông mong cất được nỗi lo sợ bằng cách chỉ phủi tay cho sạch các dấu vết bên ngoài.

Các phương cách điều trị y học các chứng bệnh liên quan đến sợ hãi đều không được bỏ sót các nguyên lý đạo đức ẩn tàng đàng sau sự sợ hãi gây ra những biểu lộ nơi thân xác và tâm hồn. Ngay cả Freud cũng đã công nhận rằng đứng trên quan điểm y học thì phương pháp làm thỏa mãn được hết mọi bản năng chỉ tổ làm con bệnh tệ hại hơn mà thôi. Đạo đức mới chính là cốt lõi cho mọi phương pháp điều trị lành mạnh.

 

NGHỈ NGƠI VÀ SUY NIỆM

Loài người ngày nay nếu không biết dành chút ít thời gian để suy niệm thì khó mà sống hạnh phúc hơn được. Trong Cựu Ước đã có một vị tiên tri cho rằng: “Hòa bình, hòa bình, thế mà vẫn không có hòa bình. Và cũng chẳng có ai nhận ra sự thể đó cả”. Còn trong Tân Ước thì Chúa Giêsu cũng đã rút khỏi đám đông, vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Martha quá bận rộn về nhiều việc nên đã được Chúa bảo cho hay rằng chỉ có một điều cần mà thôi. Để nuôi dưỡng đời sống đức tin và có được an bình trong tâm hồn, người ta phải biết định kỳ tách mình khỏi các lo lắng trần tục.

Có nhiều loại mệt mỏi: Mệt nhọc thể xác, để phục hồi sức lực có thể ta chỉ cần ngồi nghỉ dưới bóng cây, hoặc nằm dài ra nghỉ; sự kiệt quệ trí óc đòi hỏi phải ngơi nghỉ mới có thể tiếp tục nảy sinh các suy tư khác được. Nhưng gian nan nhất vẫn là sự mòn mỏi tâm hồn mà chỉ có cách hiệp thông với Thiên Chúa mới cứu chữa được.

Im lặng giúp ta ăn nói, nghỉ ngơi giúp ta suy tư. Một nhân chứng đương thời với A. Lincoln kể lại rằng ông ta có sống với Lincoln trong ba tuần lễ ngay sau khi trận đánh Bull Run kết thúc: “Đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi bèn thử dợt lại những gì phải nói trước công chúng sáng hôm sau đó. Đã quá nửa đêm, đúng ra là hừng đông. Và tôi nghe thấy có tiếng thầm thì trong phòng Tổng thống ngủ. Cửa phòng hé mở, theo bản năng, tôi bước lại gần và thấy Tổng thống quỳ bên một cuốn Kinh Thánh đang mở. Ánh sáng trong phòng chỉ vừa đủ. Ngài quay lưng về phía tôi. Tôi đứng lặng một lúc, quá đỗi bàng hoàng và kinh ngạc. Rồi tôi nghe Tổng thống buồn bã kêu lên: ‘Lạy Chúa! Chúa đã nghe lời cầu khẩn của Salomon trong đêm khuya: xin cho được ơn khôn ngoan. Xin Chúa nhậm lời con đây, con không thể dẫn dắt dân tộc này nếu Chúa không ra tay giúp đỡ con. Con là kẻ nghèo hèn và tội lỗi. Lạy Chúa, Chúa đã nhậm lời cầu xin của Salomon, xin hãy nghe lời con nài van mà cứu lấy đất nước này!”

Nay ta tự hỏi liệu không biết có bao nhiêu quan chức thời nay biết kêu xin Thiên Chúa giúp đỡ họ chu toàn gánh nặng trên vai họ. Khi Liên hiệp quốc lần đầu tiên nhóm họp ở San Francisco, vì sợ làm phật ý các kẻ vô thần, người ta đã quyết định dành một phút im lặng thay vì lên tiếng cầu nguyện xin Thiên Chúa soi sáng và hướng dẫn mọi dân nước. Khi thấy Phêrô không lưới được cá, Chúa Giêsu bèn bảo ông “Hãy buông lưới sâu hơn”. Chính khi bị thất bại, linh hồn càng phải rút ra xa bờ hơn.

Đấng Cứu Thế hứa ban cho ta “sự nghỉ ngơi tâm hồn” khi ta rút lui. Nghỉ ngơi là một ơn Chúa ban chứ không phải tự ta tìm mà có hoặc là sự trả công khi đã chu toàn công việc. Ham muốn, ganh tỵ, giàu sang và hà tiện đã khiến con người suy nghĩ theo kiểu phàm tục. Sự nghỉ ngơi thực sự là việc kiểm soát được mọi đam mê, khống chế được các khát vọng. Đó chính là niềm vui thích của một lương tâm yên ổn. Và ta cũng đạt được sự nghỉ ngơi chỉ khi nào hiểu rõ được cuộc đời này. Đa số các khuấy động ngày nay xảy ra là do người ta không hiểu tại sao họ có mặt trên đời này, và họ sẽ đi về đâu và họ chẳng thèm phí thời giờ để giải đáp các vấn nạn đó. Nếu không giải đáp được điều đó thì chẳng giải quyết được điều chi cả. Kéo dài kiếp sống mà chẳng hiểu tại sao mình sống hẳn là điều hết sức vô nghĩa.

Động lực hướng ngoại phải đi kèm với sự nghỉ ngơi bên trong, nếu không năng lượng sẽ nổ tung và gây ra hành động thiếu khôn ngoan. Kẻ nào biết dựa vào Thiên Chúa, kẻ ấy sẽ phục hồi sức mạnh: cả sức mạnh tinh thần và thể xác. Một linh hồn mòn mỏi thường dễ kéo theo thân xác mệt mỏi. Ngược lại một thể xác mệt mỏi lại ít khi làm cho linh hồn mòn mỏi hơn. Sự nghỉ ngơi theo quan điểm Kitô giáo không phải là ngưng làm việc cho bằng việc giải thoát khỏi những lo lắng do tội lỗi và ham hố đem lại. Hàng ngàn bệnh nhân loạn thần kinh cần được phục hồi lại cuộc sống hài hòa bằng cách đem lại cho họ sức sống tâm linh nhờ vào cầu nguyện, tĩnh tâm và chiêm niệm. Cuộc đời có thể ví như âm nhạc, phải có những tiết tấu thinh lặng xen lẫn tiết tấu âm thanh.

Sự nghỉ ngơi do rút lui vào thinh lặng và sự suy niệm đem lại không chỉ đơn thuần là ngưng làm việc, mà là nghỉ ngơi ngay trong công việc. An bình của Đức Kitô không phải là một kiểu an bình thách thức, cứ đưa đầu ra đón chờ bão tố. Nó là hòa bình để chiến đấu và là niềm vui cho lương tâm của những ai biết lắng nghe tiếng lương tâm. Thế gian không thể ban tặng nó, cũng không thể tước đoạt nó đi. Nó thống lãnh tâm hồn con người và đó là một thái độ bên trong. Lưu tâm tới đời sống tâm linh thì phải biết nghỉ ngơi vậy.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment