Hạnh Phúc – Chương 5: Tuổi Trẻ

MÁU – MỒ HÔI – VÀ NƯỚC MẮT

Mới đây trong một hội nghị có một phụ nữ đã chất vấn một chính khách tiếng tăm như sau: “Tại sao các lãnh tụ chính trị chúng ta chẳng khi nào nói đến máu, mồ hôi, nước mắt và hy sinh, mà chỉ nói về chuyện tiền nong họ sẽ mang lại cho giới nông dân, giới sản xuất và các công đoàn khi họ đắc cử thôi vậy? Vị chính khác trả lời bằng cách trích dẫn một chính khách khác, nhưng dường như ông ta đã không hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu hỏi do người phụ nữ đặt ra. Thực vậy, bà là phát ngôn nhân cho đại bộ phận dân Mỹ. Họ hiểu biết khá rõ về lịch sử và tâm lý, và biết rằng không một dân tộc hay một cá nhân nào có thể hoàn thành được công trạng gì nếu không biết hy sinh và từ bỏ mình.

Toynbee đã cho thấy: trong số 19 nền văn minh từ khởi thuỷ lịch sử đến nay, có đến 16 nền văn minh bị suy sụp là do bên trong, chỉ còn lại 3 nền văn minh bị suy sụp là do bên ngoài tấn công. Thường tình thì khi bị ngoại xâm, dân tộc nào cũng đoàn kết lại và tự củng cố tinh thần. Lincoln có lần tuyên bố: ông không lo sợ nước Mỹ bị kẻ thù bên ngoài đánh bại, mà sợ suy sụp từ bên trong. Lênin cũng có lần cho rằng nước Mỹ sẽ suy vong do sự tiêu xài phung phí, và điều này không hẳn là còn rất lâu nữa mới xảy đến, khi mà số tiền nợ của quốc gia đã lên đến gần 300 tỷ đô la.

Walter Whitman cũng nói về thời đại của chúng ta (cũng là thời đại của ông). Ông viết: “Xã hội ngày nay đã bị suy đồi, thô lận, đầy mê muội và thối nát… Dường như chúng ta không còn niềm tin đích thực nữa. Các đô thị lớn đầy dẫy nạn cướp bóc và trấn lột. Lối sống thời thượng là thói suồng sã, yêu đương qua quít, thiếu chung thuỷ, sống với mục đích nhỏ nhen hoặc không có mục đích, sống cho qua ngày. Dường như chúng ta sống trong một thân xác dư dật nhưng lại vô hồn”.

Nỗi ưu tư của Whitman hẳn cũng là tâm tư của người phụ nữ trên đây, bởi lẽ bà đã khắc khoải vì chúng ta dửng dưng, hững hờ và vô cảm. Điều đang ngày càng hiển nhiên xảy ra trong đất nước chúng ta là nền giáo dục được coi là tiến bộ thực ra lại cực kỳ lạc hậu. Sự băng hoại nơi giới trẻ, tội phạm, sự ăn chơi truỵ lạc, các “xì căng đan” chính trị – tất cả các hiện tượng này đều là con hoang của một nền thuyết lý giáo dục không chịu phân định đâu là chân đâu là giả, cho việc tự chế là đồng nghĩa với huỷ diệt nhân cách. Mọi bản năng và xung động dù của người lớn hay trẻ em không nhất thiết là phải sản sinh ra hậu quả tốt đẹp. Bản năng săn bắn của con người khi họ đi săn nai là điều tốt đẹp, nhưng khi họ nhắm bắn cảnh sát thì thật là tệ hại. Tình trạng thiếu lòng tôn trọng quyền bính nghĩa là điên rồ cho rằng mỗi cá nhân đều có thể tự quyết định lấy thật – giả, ngày nay đã biến thành tình trạng vô luật pháp ngày càng phổ biến.

Rồi sẽ có lúc các nhà giáo dục sẽ thức tỉnh và nhận ra các yếu tố nền tảng này của giới trẻ.

1. Giới trẻ có tri thức và ý chí. Tri thức là nguồn mạch kiến thức, ý chí là cội nguồn các quyết định. Nếu sai lầm khi lựa chọn, giới trẻ đương nhiên sai lạc dù cho họ có tri thức nhiều tới đâu đi nữa.

2. Sự giáo dục qua việc truyền đạt kiến thức không nhất thiết làm cho người ta thành kẻ thiện hảo; nó có thể mang đến những sự dữ “đầy trí tuệ” thay vì những sự dữ “ngu ngốc”.

3. Sự giáo dục chỉ thành công khi biết cách huấn luyện trí óc nhìn ra được các mục tiêu chính đáng, và bắt ý chí phải chọn chúng thay vì chọn các mục tiêu sai lạc.

Ngày nay trong lối sống Mỹ có xuất hiện hai chiều hướng: một theo chiều phát triển tính cách luân lý trong mỗi cá nhân và trong cả dân tộc; một theo hướng giao phó luân lý và trách nhiệm cho một quốc gia xã hội chủ nghĩa, và sẽ không còn luân lý nào ngoài nền luân lý – nhà – nước, không còn lương tâm nào ngoài lương tâm nhà nước. Trong hai chiều hướng thì chiều hướng đầu vẫn mạnh thế hơn mặc dù không nhận ra được điều này trong đời sống chính trị kinh tế. Một số nhà giáo dục chúng ta đã quay lưng lại với môn tâm lý học về trẻ em hư hỏng. Trước kia họ nhận định rằng một đứa trẻ được coi là tiến bộ nếu nó thực hiện tất cả những gì nó muốn; nay họ trở lại chuyện là phải suy tư một chút, hành động một chút gì đó để lôi ta ra khỏi tình trạng băng hoại trong giới trẻ, cũng như tình trạng luân lý kiệt quệ.

Giới trẻ rất mong muốn một cái gì cứng rắn. Họ không còn tin vào các thầy cô khi các thầy cô bảo quan điểm này tốt, quan điểm kia xấu, còn chuyện họ tin vào điều gì thì chẳng quan hệ. Họ muốn xác định việc này xấu xa do đó phải chống lại, còn việc kia thì tốt do đó phải tuân theo và thậm chí dám chết để bênh vực nó. Năng lực tiềm tàng máu – mồ hôi – nước mắt trong giới trẻ Mỹ trong thế hệ tới sẽ bị lạm dụng do một trong các lực lượng sau: hoặc bởi một chính khách quái gở nào đó hướng những khát vọng muốn được hy sinh này vào chủ nghĩa Quốc xã, Phát xít hay Cộng sản; hoặc bởi những nhà lãnh đạo trong các lãnh vực chính trị, giáo dục, luân lý, họ muốn làm gương cho kẻ khác noi theo bằng một lối sống có kỷ cương can trường.

Trách nhiệm nặng nề nhất nằm trên vai các vị lãnh đạo tôn giáo. Sứ điệp của họ phải là sứ điệp mà người phụ nữ đã đòi hỏi ở giới chính khách – họ đang kêu gọi chính quyền trấn áp ảnh hưởng của sự ác, và mời gọi mọi người sống vị tha trong tình yêu mến Thiên Chúa.

THIẾU NIÊN

Thời niên thiếu là khoảnh khắc ngắn ngủi giữa mùa xuân và mùa hè của đời người. Trước khi bước vào thời kỳ này, em bé rất ít khi ý thức được nhân vị của nó, nhưng khi vừa bước vào tuổi niên thiếu, đời sống tình cảm của em sẽ thích ứng ngay theo môi trường, giống như nước sẽ có hình dạng của bình chứa nó. Em thiếu niên bắt đầu ý thức về mình và về tha nhân, và chính vì thế mà em bắt đầu cảm thấy cô đơn. Tuổi trẻ cảm thấy cô đơn nhiều hơn các bậc cha mẹ và thầy cô tưởng; có lẽ tâm hồn của người thiếu niên bị cô đơn dằn vặt hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong cuộc đời. Thời kỳ này kéo dài mãi cho tới lúc trưởng thành khi ý thức về tội lỗi bắt đầu đè nặng lên tâm hồn con người.

Khi người thiếu niên biểu lộ nhân vị mình cho thế giới chung quanh, thì một trật em cũng muốn rút nó lại. Có vẻ giữa tâm hồn em và thế giới là một bức tường dựng đứng, và chẳng bao giờ tự lý giải đầy đủ được cả. Một em bé sơ sinh phải vất vả khá lâu mới điều phối được hoạt động của đôi mắt với đôi tay, cũng vậy em thiếu niên phải mất khá nhiều thời gian để tự điều chỉnh mình cho thành thạo với thế giới bao la, lạ lẫm đối với em. Em chưa thể làm chủ được những điều mới lạ, các kinh nghiệm tình cảm mới mẻ, những giấc mơ và hy vọng vĩ đại tràn ngập tâm hồn em. Tất cả đều khiến em phải chú ý và thoả mãn. Em không dám thổ lộ tình cảm cho kẻ khác, em chỉ biết sống thôi. Người lớn khó mà xâm nhập được lớp vỏ bọc này để bước vào thế giới mò mẫm của em. Giống như Adam sau khi sa ngã, em luôn luôn tìm cách lẩn trốn.

Cùng với tâm trạng cô đơn, em lại khao khát được mọi người để ý tới, bởi lẽ tính ích kỷ là một thói xấu mà người ta phải thắng lướt được ngay từ buổi thiếu thời. Nỗi khát khao được chú ý đến có thể là nguyên nhân của tính hiếu động nơi em. Nó không chỉ nhằm lôi kéo sự chú ý của kẻ khác, mà còn cho thấy một ý thức tiềm tàng muốn nổi loạn chống đối kẻ khác, và khẳng định rằng em đang sống cho chính mình, theo cách của mình, theo ý của mình.

Cùng với ý thức tự khẳng định này, em lại trở nên hay bắt chước. Ngoài việc nổi loạn chống đối lại những gì đã được công nhận, người thiếu niên còn bị các ám ảnh đào tẩu thống trị, nên em trở nên như một con tắc kè thay đổi màu da cho phù hợp với môi trường xung quanh. Em trở nên một vị anh hùng hoặc một tên tướng cướp, một vị thánh hoặc là một tên đạo tặc tuỳ theo môi trường xung quanh, theo những gì em đọc hoặc bạn bè của em. Tinh thần thích bắt chước này thể hiện qua cách ăn mặc của em. Ăn mặc nhếch nhác áo bỏ ngoài quần như đám tàn quân, tóc tai bù xù như bọn man di mọi rợ – đó là những hình ảnh phổ biến trong giới thiếu niên, họ rất ngại bị coi là “chống đối phong trào”.

Trong đám thiếu niên, hiếm có em nào có đầu óc lãnh tụ thực sự, bởi lẽ đa số đều hài lòng với việc theo đuôi người khác. Bắt chước người khác một cách vô ý thức như thế quả rất nguy hiểm về mặt luân lý, vì nhân cách phụ thuộc vào khả năng dám nói “không”. Nếu sự giáo dục không đào tạo được ý chí cho giới thiếu niên, thì lớn lên, đa số các em sẽ trở thành nô lệ cho sự tuyên truyền và công luận cho tới chết. Thay vì sáng tạo, các em chỉ biết hùa theo bắt chước. Sáng tạo, chính là nhận biết tinh thần trong mọi việc; bắt chước là hạ mình xuống mức thấp nhất trước mặt thiên hạ.

Người lớn không nên quá khắt khe với các em thiếu niên, nhất là khi các em chống đối. Đứng trên một phương diện nào đó, các em không phản kháng chống lại sự gò bó mà bởi vì người lớn không đem lại cho các em được một mục đích và ý nghĩa cuộc đời. Các em phản kháng một cách vô ý thức, hoàn toàn không biết tại sao mình lại căm ghét cha mẹ, tại sao lại cứ chống lại quyền bính, tại sao các bạn cùng trang lứa ngày càng trở nên sa đoạ. Nhưng nguyên nhân thực sự lại nằm ở mặt chìm, đó là một sự phản kháng vô thức nhằm chống lại một xã hội không đem đến cho các em một kiểu sống nào cả. Trường học chẳng khi nào lưu tâm đến việc tự chế hoặc kỷ luật cả. Nhiều thầy cô định nghĩa tự do và dân chủ là quyền được làm mọi sự mình thích cơ mà! Khi thời kỳ nổi loạn quá độ này qua đi, các em sẽ đi tìm một chính nghĩa cao cả hơn để theo đuổi. Các em phải có một lý tưởng. Ngày nay rất nhiều em chẳng có đối tượng cao cả nào để tôn thờ ngoài anh hùng trong phim ảnh, một minh tinh màn bạc hay một tay trùm anh chị nào đó. Dấu chỉ suy thoái này chỉ chấm dứt khi tai hoạ ụp đến. Rồi thì giới trẻ cũng sẽ tìm một mẫu người khác để bắt chước, có thể là các vị anh hùng hoặc các vị thánh.

Ở xã hội ta, người ta thường phàn nàn rằng giới thiếu niên chẳng hề mơ tưởng gì đến các bậc anh hùng thời chiến tranh cả. Bởi lẽ là các em chưa được chuẩn bị đủ để tiếp nhận lý tưởng cụ thể hơn. Nhưng rồi thế nào cũng đến lúc. Và khi đó, ta phải thật cẩn thận trong việc giáo dục, kẻo khi các em chống lại lối giáo dục “cấp tiến” không cần có kỷ luật thì lại rơi vào nguy cơ theo đuổi các thần thánh nguỵ tạo như đã xảy ra với giới trẻ Âu Châu, điên cuồng theo đuổi chủ nghĩa Quốc xã – Phát xít – Cộng sản. Năng lực ẩn tàng nơi mỗi thiếu niên hướng về việc thực hiện các hành động can đảm, anh hùng rồi sẽ có lúc tỏ hiện ra. Cầu Chúa lúc ấy các em hướng lòng mộ mến của mình về phía các vị anh hùng và các thánh. Lý tưởng khắc khổ đang dần dà tan biến ở thế hệ già nua, nhưng Thiên Chúa đã sai đến các thế hệ tươi trẻ hơn hầu khổi sự một sinh khí trẻ trung cho thế giới. Sẽ có một ngày các thiếu niên của chúng ta tìm gặp được lý tưởng thật sự cho mình, biết yêu quê hương và Thiên Chúa, nhất là họ sẽ mộ mến Thiên Chúa bởi lẽ tôn giáo có thể dạy con người dám hy sinh cho lương tri, hay nói cách khác tính ích kỷ sẽ không bao giờ xuất hiện được.

 

NÓI THÊM VỀ THIẾU NIÊN

Dân Mỹ gọi “thời niên thiếu” là quãng đời nằm giữa mùa xuân và mùa hè của cuộc đời con người. Vào tháng 3, cây cối đơm bông chuẩn bị kết trái thế nào thì những kinh nghiệm thời niên thiếu cũng sẽ tạo khuôn cho các em thể ấy. Một số em chín quá sớm, đang khi một số khác chẳng bao giờ chín được. Nhưng cũng có một số khác lại biết cách hấp thụ những tinh hoa của thế hệ đi trước.

Tâm lý tuổi hoa niên rất thú vị và cũng rất quan trọng. Ba tính chất nổi bật của nó là: hướng nội, bắt chước và tính hiếu động.

Tính hướng nội: người ta thường bỏ qua khía cạnh này bởi lẽ năng lượng dồi dào của tuổi trẻ chính là ý thức về sự cô độc và tâm trạng bất chấp thoát thai từ việc các em nhận thấy rằng thực sự giữa mình và thế giới có một hàng rào nào đó. Các em trai thỉnh thoảng cố vượt qua hàng rào này bằng cách thử cạo râu trước khi có râu, nghĩ rằng như thế là vượt qua được giai đoạn thiếu niên để thành người lớn. Các em gái thì cố vượt khoảng cách này bằng cách ăn mặc hoặc qua các điệu bộ. Các cử điệu của các em lúc này rất vụng về, lúng túng, vô duyên; tay chân dường như dài ngoẵng ra, lời lẽ thì ngọng ngịu, thiếu minh bạch, khiến người lớn nhiều lúc khó mà hiểu được ý các em muốn nói gì. Thế giới nội tâm các em chứa nhiều hình ảnh hơn là tư tưởng, bởi vậy điều này phần nào lý giải được việc các em thiếu khả năng tiếp xúc với người khác. Nhiều khi chính vì sự bất cập này mà các em lại càng hướng nội hơn, càng tự co mình hơn. Bởi vì không phải lúc nào các hoạt động bên ngoài cũng đều giải toả được thế giới nội tâm nên các em thường quay về với thế giới bên trong đầy hình ảnh, ở đó các em tha hồ phiêu lưu, tưởng tượng mình là một cầu thủ anh dũng trên sân, hoặc là một nàng công chúa tuyệt thế sánh duyên cùng một hoàng tử. Các em thường xem phim bởi vì phim ảnh cung cấp dồi dào cho các em những mộng mơ và hy vọng đại loại như vậy. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể này chính là các em đã đắm mình với thế giới nội tâm quá ngỡ ngàng và do không hiểu hết được giá trị của thế giới này nên diễn đạt quá vụng về.

Tính bắt chước: có một nguyên nhân triết học sâu xa giải thích điều này. Bản ngã các em bị đè nén và cần được bừng nở; phải bộc lộ nội tâm mình ra để khẳng định nhân vị của mình. Sự bắt chước trở nên một hình thức thay thế cho sự độc đáo, chính sự độc đáo này khiến em thiếu niên phải nỗ lực, phấn đấu, chịu đựng kể cả các lời trách cứ của người khác; nhưng dù sao tính ưa bắt chước cũng là một tính cần thiết để các em có thể thích nghi với xã hội bên ngoài. Bị gò bó, các em phải bung ra. Sống lủi thủi một mình quả là điều khó chịu và vào tuổi đó các em chưa hiểu thấu đáo về chính mình, do đó đương nhiên các em trở thành những kẻ ngưỡng mộ các anh hùng, và chuyện kế tiếp là tạo bè kết đảng, điên cuồng với những trò chơi ồn ào và ngưỡng mộ các ngôi sao điện ảnh.

Chính vì vậy, ở lứa tuổi trung học, ta hiếm thấy có em nào ăn mặc khác kiểu với những em khác. Ngay cả người lớn có tính sáng tạo cũng chỉ là thiểu số ít ỏi, như vậy ta đừng nên quan trọng hoá chuyện các em bắt chước. Chỉ khi nào đối tượng của các em bắt chước quá thấp hèn thì mới coi là nguy hiểm. Cũng lưu ý là một trong các ảnh hưởng cao quý tác động lên giới trẻ khi các em bắt chước các đối tượng tốt lành, cao trọng và yêu nước. Giới trẻ hay bắt chước bởi vì các em muốn sáng tạo và sự sáng tạo chính là điểm đánh dấu cho sự kết thúc tình trạng sống hướng nội, theo chiều hướng có tính xây dựng.

Tính hiếu động: có lẽ ta nên nói tính nhẹ dạ để chỉ tình trạng hiếu động thì hay hơn. Giới trẻ cực kỳ sinh động, vì tâm hồn các em tràn ngập các ấn tượng. Cuộc sống thì đa dạng nhưng lại ít hài hoà do thế giới ngoại cảnh đầy dẫy những lời mời gọi khác nhau. Do vậy, nhạc kích động lôi kéo một số em vì nó đem lại cho các em một lối xả bớt năng lượng cơ bắp chưa được điều chỉnh hợp lý nơi các em. Chính vì tính thích vận động này mà các em khó tập trung chú ý vào một đối tượng, và việc kiên trì ngồi yên một chỗ để học là cả một vấn đề đối với các em, các em phải la lối lên mới chịu được. Nếu các em không tìm ra được một mục tiêu nào cả để hoạt động, đương nhiên các em sẽ rơi vào vòng tội lỗi. Mặt khác, tính hiếu động cũng như các đặc tính khác, sẽ trợ giúp các em trong giai đoạn tìm tòi các kinh nghiệm sống hầu quyết định cho mình một chỗ đứng trong cuộc đời. Một khi nguồn năng lượng dồi dào này được khai thông, được qui tụ và được sử dụng hợp lý, người thiếu niên bắt đầu một cuộc đời lao động và trở nên một người trưởng thành theo như ý Thiên Chúa muốn, nghĩa là một người biết yêu: yêu đương, yêu bạn bè, yêu quê hương.

 

TÌNH YÊU CỦA GIỚI TRẺ

Bất cứ người thanh thiếu niên nào cũng lưỡng lự và xao xuyến. Bởi lẽ cuộc sống không hề đơn giản và thống nhất. Các em chỉ quan tâm dồn sức cho những cái hiện tại trước mắt mà ít khi để ý đến mục đích toàn cục. Để che đậy tình huống khó chịu này, giới trẻ thường tưởng tượng ra hình ảnh của cái mà nhà tâm lý gọi là siêu ngã. Đây không phải là một hình ảnh khác của các em, đúng hơn là hình ảnh của một ai đó hoàn thiện các em cũng như sẽ đem lại cho các em sự nhất quán. Cái siêu ngã này chính là cái ta khát khao được trở thành, hầu hoàn thành trọn vẹn nhân vị của ta và nhiều khi ta cũng e ngại rằng ta chẳng bao giờ đạt tới được. Nó cũng từa tựa như thể nhìn hạt thì hình dung ra được cây, nhìn nụ thì mường tượng được hoa, hay từ nền nhà hình tượng ra được nóc nhà. Đó chính là sự hoàn tất những khát vọng, mơ ước của ta. “Giới trẻ thì mơ mộng còn người già cả thì hồi tưởng”. Giới trẻ nhìn về đàng trước, còn kẻ già lại nhìn lui. Tuổi trẻ là giòng suối nhỏ chảy về biển cả đầy vui thú, còn tuổi già như thể biển cả lặng lẽ quay nhìn lại các giòng suối.

Do đó tình yêu nơi giới trẻ vẫn bao hàm một chiều hướng ngưỡng phục những ai hoàn thành được sự thiếu sót gặp thấy nơi chính họ. Đây không gì khác hơn là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng duy nhất thoả mãn được mọi khát vọng tâm hồn. Bởi thế những ai tự cho mình là đã thoả mãn rồi, chẳng cần tìm sự hoàn thiện bên ngoài nữa, kẻ ấy không thể yêu được. Bất kỳ người thanh thiếu niên nào cũng yêu cái hình ảnh khả dĩ đạt tới được, nghĩa là sao cho giấc mơ của mình vẫn tiếp tục, và bù đắp được sự trống trải, cũng như thực thi được các khát vọng của mình. Gustave Thibon có lần đã nói rằng: “Mỗi phụ nữ đều hứa hẹn điều mà chỉ có Chúa mới có mà thôi”. Ý ông muốn nói rằng tình yêu mọi người mong muốn là sự vô định; tưởng chừng phụ nữ có thể đem tình yêu đến cho người đàn ông, nhưng thực ra điều người nam muốn không phải là cái khả ái, mà là chính tình yêu, mang tính Thần Thánh. Trong văn chương, ta thường gặp thấy những phụ nữ được mô tả là hình ảnh của sự khả dĩ ví như nàng Beatrice đối với Dante chẳng hạn. Không ai thực sự biết được có nàng Beatrice hay không. Nhưng cầm chắc là hình ảnh của nàng gây ra nhiều ảnh hưởng bởi lẽ nàng vẫn là hình tượng tuyệt vời. Ai cũng mang trong tâm khảm mình một hình bóng lý tưởng nào đó. Rồi sẽ có ngày họ gặp thấy, và dù ta có cho rằng đó chỉ là “tình yêu chớp nhoáng” nhưng vẫn phải công nhận rằng đó chính là hình ảnh ấp ủ từ lâu mà trước đây họ chưa từng gặp thấy. Lý tưởng của ta, còn gọi là siêu ngã, có thể khiến ta tự đặt mình vào những tình huống thuận lợi hầu thực hiện lý tưởng đó, tựa như trường hợp những kẻ thích thách đấu ra sức đi tìm đối thủ để cùng mình quyết đấu. Tuổi trẻ tìm kiếm cho được kẻ hoàn thành nội tâm của mình, kẻ khiến họ thoả mãn khát vọng hướng về Thiên Chúa, đồng thời lại có thể thay cho Thiên Chúa, ít ra là trong một khoảng thời gian nào đó. Ai cũng yêu cái toàn thể hơn là cái riêng lẻ. Bởi vậy, mọi người yêu mến Thiên Chúa hơn là người yêu phàm trần của mình, dù rằng họ được phản ánh theo hình bóng của tình yêu Thiên Chúa. Tuy nhiên các tình yêu này đa số đều có tính vô thức hơn là ý thức.

Mầu nhiệm vĩ đại của cuộc đời nằm ở chỗ thực ra chúng ta không muốn được yêu, mà là phải được yêu. Ta cần tình yêu bởi lẽ chúng ta bất toàn, nhưng tại sao có kẻ lại yêu mến sự bất toàn thì thật khó mà lý giải được. Chính vì vậy mà hết thảy những kẻ đang yêu đều cho mình là bất xứng. Người được yêu ngự trên bệ cao, và tình nhân của nàng quì mọp tỏ bày rằng chàng bất xứng. Tình yêu luôn luôn xảy đến như một món quà mà ta bất xứng với nó. Từ chối, hoặc bất trung với tình yêu đó là làm thương tổn đến toàn bộ nhân cách bởi lẽ nó huỷ diệt hình ảnh nguyên tuyền của nhân cách. Sự huỷ diệt hình ảnh tuyệt vời này chính là tự mình kết án tương tự, như những lời tàn nhẫn của Ovid đã nói: “Ta chẳng thể nào sống được dù có nàng hay không còn nàng đi nữa”.

Cái siêu ngã, lý tưởng, hình bóng tuyệt vời được biểu lộ ra nhiều kiểu nhiều dạng nơi các thanh niên thanh nữ. Nơi người thanh niên, chàng cảm thấy thích chí tìm ra những lý lẽ để xác quyết nàng là người tình lý tưởng. Và như thế chàng cố sức chứng tỏ cho chính mình và kẻ khác hiểu rằng lý tưởng của chàng đã thực sự hiện hữu trên cõi đời này. Còn đối với nàng, nàng lại quyết tâm cường điệu ý tưởng cho rằng nàng chính là người tình lý tưởng, bởi thế nàng giả vờ tránh mặt chàng. Nàng giả bộ chạy trốn để chàng đuổi theo và như thế nàng lại sáng giá hơn. Nhưng trong hai trường hợp trên, cả hai đều không tìm gặp được hình ảnh lý tưởng thực sự và tuyệt đối. Đó chính là Thiên Chúa. Nhưng cho mãi đến lúc già dặn với cuộc đời, họ mới nhận ra rằng những gì họ đã từng mong muốn chỉ là “tình yêu vắn vỏi, hụt hẫng sánh với tình yêu vô biên”. Họ đến với tình yêu vô biên này bằng sự đam mê tột cùng và cũng bình thản vô vàn.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment